Đại diện tố tụng tòa án
Quy định về đại diện trong tố tụng dân sự
Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Tuy nhiên, cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
Theo đó, người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự (khoản 1 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự).
Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền. Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.
Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền (Điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự).
Pháp luật tố tụng dân sự cũng quy định những trường hợp không được làm người đại diện nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự có liên quan và bảo đảm dân chủ, khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Theo đó, những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
(1) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
(2) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
Các trường hợp nêu trên cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đồng thời, cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.
Điều 88 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp không được làm người đại diện theo pháp luật thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng. Đối với vụ việc lao động mà có đương sự thuộc trường hợp phải chỉ định người đại diện hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện theo quy định thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó.
Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định thì thời hạn đại diện được xác định như sau:
(1) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;
(2) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.
Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự, cụ thể:
Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp: Theo thỏa thuận; Thời hạn ủy quyền đã hết; Công việc được ủy quyền đã hoàn thành; Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền; Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại; Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này; Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp: Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục; Người được đại diện là cá nhân chết; Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại; Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2024/07/8Thể loại : Dân sựTab : Đại diện tố tụng tòa án